Để đạt được các mục tiêu này, những ngày qua, các công trình đang được Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền trung, các nhà thầu thi công xây lắp, các đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan, đang ngày đêm bám tuyến để tập trung tổ chức điều hành công trường, huy động tất cả các nguồn lực, tranh thủ thời gian, thời tiết, để đẩy nhanh, đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án và quyết tâm hoàn thành vào ngày 25/12/2022.
Tuyến đường dây đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều dài 68,78 km, bao gồm 132 vị trí móng trụ; trong đó, huyện Bác Ái chiếm phần lớn diện tích với 61 vị trí, đi từ phía bắc đến phía nam của huyện dài hơn 30km; với 199 hộ bị ảnh hưởng của đường điện, thế nhưng đây lại là địa bàn có những cách làm nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Ông PHAN THANH LIÊM, thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận: “Trước khi công trình đi vào triển khai, có đoàn từ huyện, UBND xã cùng một số anh em bên dự án gặp trao đổi với gia đình, phối hợp với gia đình mình rất chi tiết rõ ràng. Lúc đầu mình cũng chưa hiểu dự án như thế nào, nhưng các anh giải thích rất rõ ràng, đó là công trình trọng điểm quốc gia có ý nghĩa rất lớn. Đã là công trình trọng điểm thì chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước. Mong muốn lớn nhất của mình là công trình đóng điện đúng thời hạn.”
Ông NGÔ THANH LÂM, PCT UBND huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận: “Hiện nay cũng mừng chúng tôi đạt tiến độ như yêu cầu, huyện cũng cam đoan với tỉnh, với chủ đầu tư, chúng tôi sẽ bàn giao sớm mặt bằng để đảm bảo đóng điện đúng tháng 12 theo tiến độ chung của Thủ tướng chỉ đạo, của Bộ Công thương.”
Trong 7 tháng, từ khi khởi động đến nay, với sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các địa phương, các đơn vị, đến nay toàn tuyến đã hoàn thành bàn giao 304/304 móng trụ điện; hành lang tuyến đạt hơn 70%. Tại vị trí cột móng 99 thuộc xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, để có thể vượt qua chặng đường đồi, dốc cao, những công nhân này phải tranh thủ làm việc 3 ca trong những ngày nắng nóng.
Ông ĐỖ VĂN TUYÊN, công nhân công ty Hecico Hải Phòng: “Thời tiết nắng như thế này, công nhân như chúng tôi sẽ dậy sớm làm hết công suất của những ngày nắng để đảm bảo tiễn độ công trình. Chúng tôi tập trung hết sức lực, anh em đi làm từ 6h, trưa ăn cơm tại chân công trình. Tranh thủ để đảm bảo tiến độ công trình”.
Công trình khởi động khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, mọi phương án đều đã được tính đến. Thông thường chỉ khoảng 3 đội thi công trên mỗi công trường, nhưng đến nay, có những công trường huy động đến 10 đội thi công.
Ông ĐOÀN THẾ BÌNH, chỉ huy trưởng Công ty cổ phần đầu tư xây lắp điện Hải Phòng: “Trong thời gian vừa qua, dịch bệnh và biến động thị trường và yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thi công. Trong khi đường dây hầu hết đi qua núi mỗi lần mưa ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, nhà thầu rất quyết tâm bằng nhiều biện pháp: tăng tổ đội thi công, tăng máy móc, tăng ca, thi công xuyên tết nguyên đán, nắng đẹp thì làm 3 ca. Sẽ phấn đấu hoàn thành trước tiến độ.”
Ông NGUYỄN TRỌNG HÙNG, Cán bộ Kỹ thuật nhà thầu thi công: “Tinh thần anh em công nhân, kỹ thuật trên hiện trường rất cố gắng quyết tâm hoàn thành dự án mà chủ đầu tư đã giao. Với tiến độ hiện tại và sự phối hợp của các bên, tiến độ sẽ đáp ứng được, thậm chí trước tiến độ chủ đầu tư đặt ra.”
Ngay cổng vào của Trạm biến áp 500kV Vân Phong tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, là chiếc đồng hồ điện tử màn hình lớn, hiện rõ số ngày đếm ngược công trình phải hoàn thành là 25/12/2022. Nắng nóng gay gắt nhưng hàng trăm công nhân vẫn nhộn nhịp, hối hả để cùng nhau quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ dự án trọng điểm quốc gia, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Với hầu hết các dự án truyền tải điện thì vướng mắc lớn nhất thường là công tác giải phóng mặt bằng. Và cụm dự án đường dây Vân Phong – Vĩnh Tân cũng không ngoại lệ. Vị trí cột móng số 47 tại xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là trụ móng gốc, do đó kích cỡ lớn hơn so với các vị trí móng cột khác và cũng chiếm diện tích đất nhiều hơn. Đây là một trong 3 vị trí móng liên quan đến các dự án đường điện nằm trên diện tích đất của nhà bà Trần Thị Loan.
Bà TRẦN THỊ LOAN, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa: “Nói đúng ra lúc đầu tôi cũng bất ngờ, cái trụ móng vào nhà tôi 1 đoạn. Mặc dù giá đền bù gọi là thỏa đáng nhưng so với giá hiện tại bên ngoài thì không bằng, nhưng mình nghĩ mình là công dân nước Việt nên mình quyết tâm thực hiện những gì công trình đề ra”.
Thế nhưng không phải ai cũng ý thức về tầm quan trọng của dự án trọng điểm quốc gia như gia đình bà Trần Thị Loan. Đường dây đi qua địa bàn xã với tổng vị trí móng trụ liên quan ảnh hưởng là 23 vị trí, đến nay vẫn còn 6 vị trí móng trụ người dân chưa đồng tình bàn giao, mặc dù chính quyền địa phương, các đơn vị đã đi tuyên truyền, vận động rất nhiều.
Ông ĐẶNG THIỆN NGHIÊM, Chủ tịch UBND xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa: “Có nhiều trường hợp đi phải gần 10 lần, chính thống đi theo đoàn thì khoảng 3-4 lần thôi, nhưng việc đi riêng lẻ, ví dụ như tôi đi với địa chính hay địa chính riêng, đi không chính thống rất nhiều, cứ liên tục. Thời gian qua, địa phương tập trung công việc này rất nhiều. Đa phần 1 số công việc chuyên môn là địa chính phải sắp làm ban đêm hoặc thứ 7, chủ nhật để tập trung trong giờ hành chính làm công việc đi vận động tuyên truyền.”
Cả thị xã Ninh Hòa hiện còn 15 hộ chưa đồng tình bàn giao đất hành lang, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất vẫn là vấn đề về giá bồi thường đất nên người dân chưa đồng thuận. Tuy vậy, nhận thức được tầm quan trọng của dự án, chính quyền thị xã đã chỉ đạo sát sao việc thu hồi đất, quyết tâm để công trình về đích đúng hẹn.
Ông NGUYỄN MINH THƯ, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, Tỉnh Khánh Hòa: “Một số hộ chưa đồng thuận có nhiều lí do, trong đó có lí do về giá bồi thường đất, trước đây trên địa bàn có nhiều dự án điện của tư nhân, thì việc tư nhân thu hồi đất trên cơ sở tự thương lượng với người dân, với mức giá khác với mức giá thời điểm này.”
Ông PHẠM XUÂN VIỆT, Phó trưởng phòng đền bù, CPMB: “Giải phóng mặt bằng là công tác hết sức khó khăn và phức tạp. Trong 7 tháng từ khi khởi động đến nay, nhận thức được điều đó, địa phương, các đơn vị chủ động quyết liệt, triển khai nhanh để áp giá, lập phương án bồi thường, vận động người dân. Tuy nhiên, phần hành lang tuyến bàn giao khoảng 50%, tức 160/304.”
Nếu các dự án hoàn thành chậm sau ngày 26/12 này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN sẽ phải trả phí công suất khoảng 1 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 23 tỷ đồng) mỗi ngày, cùng với các chi phí phát sinh khác. Đồng thời, sau 6 tháng, nếu không khắc phục được, chủ đầu tư có quyền chấm dứt dự án và Chính phủ Việt Nam phải mua lại Dự án theo quy định.
Ông NGUYỄN ĐÌNH THỌ, Phó Giám đốc CPMB: “Thử thách lớn nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng, vướng nhất là triển khai công tác kê kiểm, lập và duyệt hồ sơ để triển khai đền bùi. Trong đó vướng lớn nhất là đơn giá bồi thường thấp. Bản thân tiến độ công trình thực hiện trong 1 năm, bản thân đã cấp bách rồi, khi có khâu nào, đặc biệt giải phóng mặt bằng vướng mắc thì ảnh hưởng rất lớn đến thi công. Và vấn đề nữa là rủi ro thời tiết và thiên tai trong những tháng cuối năm, đó là nhưng cái khó khăn vướng mắc.”
Thời gian thi công dự án không còn nhiều, cùng với đó, trong quá trình thi công tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến dự án như thời tiết, dịch bệnh, giá nguyên nhiên liệu có thể tiếp tục tăng, chính vì vậy công trường cần tăng tốc thi công để hoàn thành dự án.
Ông BÙI VĂN KIÊN, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia: “Để đảm bảo tiến độ dự án theo cam kết, thì tổng công ty đã triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ. Chúng tôi chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho dự án. Trong thời gian nửa năm thi công thì tổng công ty đang sử dụng nguồn vốn tự có để huy động tối đa cho đảm bảo nguồn lực tài chính thực hiện dự án. Chúng tôi quyết tâm dự án này sẽ về đích đúng hẹn. Có nhiều khó khăn, chúng tôi sợ mùa mưa năm 2022 cũng kéo dài cho nên để đảm bảo tiến độ theo cam kết thì Tổng công ty đã phát động thi đua trao thưởng cho các tập thể cá nhân nếu hoàn thành đúng tiến độ. Chúng tôi mong rằng các nhà thầu ban quản lý cán bộ công nhân trên công trường nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn. Trong trường hợp có những vướng mắc vượt sức thì phải báo cáo kịp thời lên tổng công ty tổng công ty có chỉ đạo giải quyết.”
Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực đã đưa công trình Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân và Trạm biến áp 500/220kV Vân Phong vào danh sách công trình theo dõi đặc biệt để Ban Chỉ đạo đôn đốc, hàng tháng báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ đạo về tiến độ công trình. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo, coi việc hoàn thành Dự án đúng tiến độ là nhiệm vụ chính trị; coi đây là công trình trọng điểm cấp cao nhất năm 2022.
Ông HOÀNG TRỌNG HIẾU, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực: “Phương thức chỉ đạo với cụm công trình Vân Phong – Vĩnh Tân có gì khác biệt thưa ông (vì công trình được triển khai khi dịch bệnh đang cao điểm, sau thời gian dài ngưng trệ thì nhiều khó khăn)-Ban chỉ đạo sẽ xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện cụm dự án Vân Phong-Vĩnh Tân như thế nào để dự án hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết?"
Hơn 1 tháng trước, để hiện thực hóa quyết tâm, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã quyết định lắp đặt đồng hồ đếm ngược đặt tại trạm biến áp 500kV Vân Phong để các đơn vị cùng phấn đấu hoàn thành đóng điện các dự án đúng tiến độ cam kết. Chiếc đồng hồ đếm ngược thời gian hoàn toàn vô tư và khách quan, nhưng đã tạo sức ép mà những người chịu trách nhiệm trên công trường không thể cưỡng lại. Hy vọng với sự nỗ lực, quyết tâm cao độ, cùng các giải pháp đồng bộ từ các bộ, ban, ngành, chủ đầu tư và đơn vị thi công…công trình sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra./.