Sử dụng Ipad kiểm tra thông số thiết bị Trạm 220kV Vân Phong
Trước đây, khi thao tác chuyển giàn thanh cái 220kV, 110kV (đóng, cắt dao cách ly thứ hai), Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Trung (A3) sẽ điều khiển thao tác các dao cách ly, nhưng vẫn phải ra lệnh cho nhân viên Tổ Thao tác lưu động thực hiện cô lập mạch cắt máy cắt liên lạc bằng tay tại tủ điều khiển (chuyển khóa block trip ngăn 212, 112 sang vị trí Enable), lúc đó mới thao tác được DCL thứ hai. Việc khôi phục lại mạch cắt máy cắt liên lạc sau khi thao tác chuyển giàn thanh cái xong (chuyển khóa block trip ngăn 212, 112 sang vị trí Disnable), cũng phải thực hiện các bước tương tự.
Trạm 220kV Vân Phong hiện nay là trạm thao tác xa, không người trực, nên khi cần thao tác nhanh, đột xuất hoặc xử lý sự cố trong khung thời gian ngoài giờ hành chính hoặc thứ 7, chủ nhật, thì cần mất từ 50 – 60 phút nhân viên vận hành mới có mặt, thực hiện được công việc của mình.
Đầu năm nay, Tổ thao tác lưu động Trạm Vân Phong đã nghiên cứu viết thêm logic cho BCU PCS9705 của các ngăn lộ và ngăn MC liên lạc (212, 112), sử dụng giao thức “GOOSE” chuẩn IEC 61850 để truyền/nhận các tín hiệu các ngăn lộ tới đến ngăn MC liên lạc. Việc thiết lập mạch Intelock điều khiển tự động rơle “BlockTrip” theo nguyên lý: Khi có lệnh điều khiển đóng/cắt DCL thứ hai (trong quá trình chuyển giàn thanh cái) BCU ngăn lộ gửi tín hiệu “Set BlockTrip” tới BCU ngăn MC liên lạc. Nhận tín hiệu “Set BlockTrip” của ngăn lộ, BCU ngăn MC liên lạc, kiểm tra MC liên lạc đang làm nhiệm vụ nối thì thực hiện: khép output ra lệnh “Set” rơle “Block Trip” để cô lập mạch cắt và mạch start 50BF ngăn MC liên lạc, đưa tín hiệu trạng thái Set “Block Trip” vào in put BCU. BCU ngăn MC liên lạc gửi tín hiệu tới BCU cho phép thao tác DCL thứ 2.
BCU ngăn lộ, khi nhận tín hiệu cho phép thao tác DCL thứ 2 thì thực hiện xuất lệnh đóng/mở DCL. Sau khi DCL đóng/mở hoàn toàn BCU ngăn lộ gửi tín hiệu “Reset BlockTrip” đến BCU ngăn MC liên lạc. Khi nhận tín hiệu Reset BlockTrip thì BCU ngăn MC liên lạc xuất lệnh khép ouput để Reset rơle “Block Trip” (khôi phục mạch cắt và mạch start 50BF ngăn MC liên lạc).
Toàn bộ quá trình điều khiển nói trên được thực hiện tự động kể cả khi thực hiện thao tác xa tại A3 hoặc Trung tâm vận hành, trạng thái rơle “BlockTrip” được giám sát trên HMI thuận tiện theo dõi quá trình thao tác, A3 không cần ra lệnh để nhân viên vận hành thực hiện cô lập, khôi phục máy cắt liên lạc như trước, mà vẫn đảm bảo độ an toàn, tin cậy cho thiết bị, giảm thời gian đi lại cho người vận hành.
Tương tự như thế, trước kia nhân viên vận hành phải kiểm tra và bật aptomat điều khiển (on/off) máy bơm nước của hố thu dầu máy biến áp khi có nước mưa chảy tràn vào, để hút nước ra, và phải trực tiếp theo dõi khi hết nước thì tắt nguồn (nếu không có thể cháy bơm khi cạn nước). Các công đoạn đều tiến hành thủ công, mất thời gian mà độ tin cậy lại không cao.
Chính vì bất cập kể trên, Tổ thao tác lưu động Trạm Vân Phong đã nghiên cứu hệ thống điều khiển bơm nước tự động có thể giám sát bằng ứng dụng Blynk IOT. Hệ thống điều khiển được kết nối với thiết bị thông minh bằng wifi hoặc 4G, có thể giám sát việc vận hành một cách chính xác của hệ thống bơm từ xa qua mạch cảm biến dòng đảm bảo hố thu dầu không còn nước ở bất kỳ thời điểm nào, từ đó đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy cho MBA.
Có thể thấy, xu hướng chuyển đổi số hay số hóa, tự động hóa, ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào trong tất cả các hoạt động sản xuất, quản lý vận hành lưới điện truyền tải, đang tác động mạnh mẽ và làm thay đổi nhận thức và tư duy công việc, đến CBCNV ngành điện nói chung cũng như CBCNV Truyền tải điện Khánh Hòa – PTC3 nói riêng.
Những người công nhân có thâm niên vốn thường ngại tiếp xúc với công nghệ với máy tính, nay lại thích nghiên cứu, khám phá đến khai thác sử dụng ngày càng hiệu quả các ứng dụng khoa học. Từ việc phải mất rất nhiều công sức, thời gian mới đến kiểm tra được vị trí cột có địa hình khó khăn, thì nay chỉ cần vài phút điều khiển flycam đã có thể tiếp cận quan sát qua hình ảnh rõ ràng được truyền về.
Từ việc phải túc trực tuần canh chống cháy mía, cháy rừng hàng ngày, thì nay chỉ cần quan sát camera qua điện thoại vẫn có thể nắm bắt đươc tình hình. Hay việc phải cầm sổ cầm bút ghi chép từng số liệu vận hành của thiết bị theo từng giờ, đến việc phải tra thông số hoạt động của từng thiết bị trong máy tính…nay chỉ bằng một vài thao tác trên smartphone hay máy tính bảng có thể giải quyết khối lượng lớn công việc trước đây phải làm thủ công, giờ đã trở thành việc nhẹ nhàng, đơn giản hơn rất nhiều.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất là xu hướng tất yếu vì từ đó quản lý công việc hiệu quả hơn, bớt đi công sức và tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn hơn cho con người và thiết bị trong công tác quản lý vận hành. Thế nên, bắt buộc người vận hành phải thay đổi tư duy và phương pháp làm việc bấy lâu nay và luôn tìm hiểu về kiến thức, công nghệ mới nếu không muốn bỏ lại phía sau trong công cuộc “Chuyển đổi số”.
Được biết, Trạm biến áp 220kV Vân Phong trực thuộc Truyền tải điện Khánh Hòa quản lý vận hành; với quy mô công suất hoàn chỉnh là 02 MBA 220/110/22kV - 2x250MVA (hiện giai đoạn này mới chỉ lắp đặt 1 MBA 250MVA); hệ thống phân phối 220kV là 10 ngăn lộ và 110kV là 16 ngăn lộ. Công trình hoàn thành và đưa vào vận hành ngày 22 tháng 11 năm 2020, nhằm tạo điều kiện đấu nối các nguồn điện năng lượng tái tạo trong khu vực vào hệ thống điện Quốc gia và giải tỏa một phần công suất Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 trong thời gian tới, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải khu vực Thị xã Ninh Hòa và một phần khu kinh tế Vân Phong, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh Khánh Hòa.